Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/06/1911) - Hành trình vĩ đại thay đổi một dân tộc
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng – Sài Gòn, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, mới 21 tuổi, mang theo hành trang giản dị nhưng chất chứa khát vọng lớn lao, đã xuống con tàu Amiral Latouche-Tréville với quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Hành trình ấy kéo dài suốt 30 năm bôn ba khắp năm châu, và chính là bước ngoặt vĩ đại làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Khát vọng độc lập từ một trái tim yêu nước
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng thuộc Sài Gòn – Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, khi ấy vừa tròn 21 tuổi, đã rời Tổ quốc trên con tàu Amiral Latouche-Tréville, chính thức bắt đầu hành trình vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến nhân dân sống lầm than dưới ách đô hộ thực dân, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm hình thành lý tưởng giải phóng dân tộc. Trên chặng đường bôn ba đầy gian khổ của tuổi thanh xuân, từ một người thanh niên mang trong mình khát vọng yêu nước và lòng thương dân sâu sắc, với những trải nghiệm quý giá từ lao động chân chính và tham gia vào các phong trào cách mạng tiến bộ trên thế giới, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Từ đó, Người đã tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – một sự lựa chọn mang tính lịch sử, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vinh quang. Cho đến hôm nay, sự kiện lịch sử ấy vẫn luôn là nguồn cảm hứng lớn lao, tiếp thêm ý chí, khát vọng và niềm tin cho thế hệ trẻ Việt Nam; đồng thời để lại nhiều bài học sâu sắc, giá trị cho mỗi người trong học tập, lao động, cống hiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Con tàu Đô đốc Latouche-Tréville (Tư liệu: TTXVN)
Ánh sáng soi đường cho cách mạng dân tộc Việt Nam
Mang trong mình ngọn lửa yêu nước cháy bỏng và ý chí không ngừng tìm kiếm con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Tất Thành đã trải qua nhiều năm tháng bền bỉ nghiên cứu lý luận và tham gia thực tiễn trong phong trào công nhân quốc tế. Vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nguy, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, và vào cuối năm 1920, tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Tất Thành chính thức trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp – từ đây, Người hoạt động với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng quốc tế xuất sắc. Cũng chính từ dấu mốc ấy, chủ nghĩa Mác – Lê-nin bắt đầu lan tỏa và thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, mở ra cho cách mạng nước ta một phương hướng mới – đánh dấu bước ngoặt to lớn trong lịch sử dân tộc.
Chính việc lựa chọn con đường sang phương Tây đã mở ra cho Hồ Chí Minh cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và tư tưởng tiến bộ trên thế giới. Với tư duy độc lập và tinh thần tự chủ, Người đã chủ động chọn lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa từ các nền văn hóa đó, làm phong phú thêm vốn tri thức và bản sắc văn hóa của mình. Nhờ đó, Hồ Chí Minh từng bước vươn lên tầm cao của văn hóa nhân loại, trở thành một nhà văn hóa lớn, kết tinh hài hòa giữa chiều sâu truyền thống Á Đông và sự cởi mở, hiện đại của văn hóa phương Tây. Đặc biệt, việc sang phương Tây cũng tạo điều kiện để Người tiếp cận, nghiên cứu và tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê-nin, một hệ thống tư tưởng mang tính khoa học và cách mạng sâu sắc. Đây chính là nền tảng lý luận vững chắc giúp Hồ Chí Minh tìm ra con đường đúng đắn, triệt để để giải phóng dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu Bungaria tham dự Đại hội V Quốc tế cộng sản, tháng 6-1924 (Ảnh tư liệu)
Hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã hun đúc nên một chủ nghĩa yêu nước mới – chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh – mang đậm tinh thần dân tộc và tư tưởng cách mạng. Từ đó, Người đã mở ra cho dân tộc Việt Nam con đường đúng đắn tiến tới độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó không chỉ là một hành trình cách mạng, mà còn là hành trình thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Ở đó, tấm gương sáng ngời về ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và đức hy sinh của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người con đất Việt.
Thứ Năm, 11:20 05/06/2025
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.