Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại
Hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta; là hành động giúp đỡ những người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống. Với thông điệp “Giọt máu cho đi – Cuộc đời ở lại”, hoạt động này thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người bệnh với phương châm sống tích cực của viên chức, người lao động và sinh viên Nhà trường. Đặc biệt, sinh viên luôn luôn là lực lượng đông đảo và có những đóng góp lớn trong phong trào hiến máu tính nguyện cứu người.
Với tinh thần “Hiến máu cứu người” là nghĩa cử cao đẹp, Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn chú trọng trong công tác vận động, tuyên truyền, đội ngũ viên chức người lao động, giảng viên và sinh viên tích cực tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện cả trong lẫn ngoài trường. Hoạt động hiến máu tình nguyện ở khắp mọi nơi trên đất nước đã trở thành phong trào sâu rộng lan toả sự yêu thương, tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”.
MỘT SỐ TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA HIẾN MÁU
1. Ai có thể tham gia hiến máu?
- Độ tuổi hiến máu: Từ 18 - 60 tuổi.
- Cân nặng: Trên 45 kg đối với nam và 42 kg đối với nữ.
- Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.
- Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 3 tháng đối với cả Nam và Nữ
2. Ai là người không được hiến máu?
- Người đã nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm các loại virus: HIV, viêm gan B, viêm gan C, và các virus lây qua đường truyền máu.
- Người có các bệnh mãn tính: Tim mạch, huyết áp, bệnh thận,… Không mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.
3. Máu của tôi sau khi hiến sẽ được làm những xét nghiệm gì?
- Tất cả những đơn vị máu thu được sẽ được kiểm tra nhóm máu (hệ OAB - Rh), HIV, Virus viêm gan B, Virus viêm gan C, Giang mai, Sốt rét.
- Bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên.
4. Số lượng máu mỗi lần hiến là bao nhiêu ml?
- Mỗi người có khoảng 75ml máu/kg cân nặng và lượng máu hiến < 9ml/kg cân nặng thì không có hại cho sức khỏe.
- Ví dụ: Một người 45kg có khoảng 3.150ml máu và có thể hiến < 405 ml máu/lần. Mỗi năm hiến không quá 4 lần đối với nam và 3 lần đối với nữ.
- Như vậy lượng máu hiến của người hiến máu là: 350ml hoặc 450 ml/01 lần hiến.
CĂN DẶN CỦA THẦY THUỐC ĐỐI VỚI NGƯỜI HIẾN MÁU
1. Trước khi à hiến máu phải làm gì?
- Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, không uống rượu bia.
- Nên ăn nhẹ và uống nhiều nước trước khi hiến máu, không ăn chất có nhiều đường, mỡ trước khi hiến máu.
- Mang giấy CMND, hoặc giấy tờ tùy thân khi đi hiến máu.
- Nếu phát hiện chảy máu tại nơi lấy máu: Giơ cao tay; Lấy tay kia ấn nhẹ ào miếng bông hoặc băng dính; Thay miếng bông và băng dính khác.
- Nếu xuất hiện bầm tím tại chỗ:
- 02 ngày đầu sau hiến máu: Chườm lạnh tại chỗ.
- Những ngày sau: Chườm nóng 2 - 4 lần/ngày.
2. Ngay sau khi hiến máu: Chỉ dời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái; Nếu cảm thấy chóng mặt, mệt: Nên nằm nghỉ 10 – 15 phút; Uống nhiều nước sau khi hiến máu; Để miếng băng dính sau ít nhất 4 - 6 giờ mới lấy đi.
3. Các hoạt động cần tránh sau khi hiến máu:
- Không uống rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến máu.
- Không làm việc gắng sức (leo núi, tập tạ) trong hai ngày đầu
.4. Chế độ ăn,sinh hoạt sau khi hiến máu:
- Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.
- Nếu có thể, tăng cường sử dụng các chất bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa … hoặc dùng thêm các thuốc bổ máu.