Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - Tận trung với nước, tận hiếu với dân
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 24/12/1996), một trí thức tài năng và giàu tâm huyết, một nhà yêu nước nhiệt thành, một ngọn cờ của khối đại đoàn kết dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên định, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào vẫn một lòng một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10-7-1910, trong một gia đình viên chức tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Năm 1921, dù mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ đã xa gia đình một mình sang Pháp du học. Mặc dù hằng ngày tiếp xúc với văn minh phương Tây, nhưng người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ vẫn giữ được cốt cách con người Việt Nam, một dân tộc đang gồng mình chống lại ách thực dân.
Sau 11 năm du học ở Pháp, trở về nước với tấm bằng Cử nhân Luật hạng ưu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm tập sự tại văn phòng luật sư Ðuy-kê-nay, sau đó mở văn phòng riêng ở Mỹ Tho; năm 1946, nhận chức Chánh án Tòa án tỉnh Vĩnh Long, rồi từ chức Chánh án lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư tại nhà số 152 đường Ðờ Gôn (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Ông nổi tiếng ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ lúc đó vì là một luật sư có cảm tình với kháng chiến, từng đứng ra bảo vệ công khai các cán bộ Việt Minh ngay trước Tòa đại hình.
Năm 1947, ông đã vận động các luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo... ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn gửi Chính phủ Pháp, đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam.
Năm 1948, ông tham gia Mặt trận Liên Việt và năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt tháng 6/1950, bị giam ở Lai Châu rồi Sơn Tây cho đến tháng 11/1952.
Sau đó, ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó chủ tịch Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn.
Năm 1954, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và bị giam tại Phú Yên. Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11/1961, ông chuyển về hoạt động tại bắc Tây Ninh. Tháng 2/1962 Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức và ông được bầu làm Chủ tịch.
Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập vào tháng 6/1969, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam.
Tháng 4/1980, sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng qua đời, ông làm Quyền Chủ tịch nước cho đến tháng 7/1981. Năm 1981, ông là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho đến năm 1987, rồi Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Đại hội năm 1988. Ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước khóa VII, VIII. Ông qua đời tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24/12/1996.
Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ ký Lệnh công bố Hiến pháp mới (tháng 12/1980)
Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Ông cũng được Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng quốc tế V.I Lênin và Huân chương Hữu nghị vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc; Nhà nước Cuba tặng Huân chương Đoàn kết - Chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng giải thưởng Đimitrốp; Hội đồng Hòa bình thế giới tặng Huân chương Joliot Curie.
Cuộc đời, sự nghiệp của ông là cuộc đời, sự nghiệp của một tri thức yêu nước tài năng và con đường đến với cách mạng thật tự nhiên và trong sáng: Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản và gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Ông là con người tiêu biểu của tình đoàn kết dân tộc, là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn, trong sạch, hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp.
Thứ Hai, 15:08 06/07/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.