Đồng chí Hồ Tùng Mậu với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896 – 23/7/1951) xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, yêu nước và có nhiều đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp chống Pháp, ở vùng đất học Quỳnh Đôi của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Truyền thống quý báu ấy đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, khí phách để đồng chí Hồ Tùng Mậu sớm thực hiện hoài bão xả thân vì nước, vì dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Cuộc đời, tên tuổi của đồng chí Hồ Tùng Mậu mãi mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về ý chí phi thường, xả thân chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tinh thần, khí tiết ấy sẽ đi suốt chiều dài lịch sử của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hồ Tùng Mậu (đứng thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (31951)
Suốt 31 năm hoạt động cách mạng (1920 – 1951), trong đó hơn 14 năm bị giam cầm, đày ải trong các nhà tù (nhiều lần bị địch bắt và bị kết án tử hình), đồng chí Hồ Tùng Mậu vẫn luôn giữ vững ý chí, nghị lực phi thường, tấm gương sáng của người cộng sản kiên trung, bất khuất, được Đảng và Chính phủ giao nhiều trọng trách của chính quyền cách mạng. Đồng chí Hồ Tùng Mậu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là “người lãnh đạo tân tụy”, “anh em chí thiết”; được đồng bào Liên khu IV (cũ) gọi là “Cụ Hồ em”.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu và Bác Hồ
Những hoạt động, đóng góp của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã góp phần to lớn đưa cách mạng đi đến thắng lợi vẻ vang, bước vào xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, hướng theo con đường chủ nghĩa xã hội, thể hiện ở một số nét chính sau đây:
Một là, những đóng góp to lớn cho thời kỳ dựng Đảng, trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển tiến từ các tổ chức tiền thân, trở thành trợ thủ đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức và tham dự Hội nghị thành lập Đảng.
Năm 1920, đồng chí Hồ Tùng Mậu sang Xiêm, sau đó sang Trung Quốc hoạt động và đến mùa xuân năm 1923 lập ra Tâm Tâm xã cùng với 6 thanh niên trí thức. Tháng 6-1924, Phạm Hồng Thái, thành viên của Tâm Tâm xã ám sát không thành Toàn quyền Đông Dương M.Méc-lanh ở Sa Diện - Quảng Châu và hy sinh anh dũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Việc đó tuy nhỏ nhưng nó bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”.
Sau khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu, qua tìm hiểu và có một số cuộc tiếp xúc riêng, Người đã lựa chọn đồng chí Hồ Tùng Mậulà một trong9 thanh niên xuất sắc của Tâm tâm xã để thành lập nhóm Cộng sản đoàn, làmhạt nhân cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời tháng 6-1925.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu có công lao to lớn khắc phục sự phân liệt của các tổ chức cộng sản, liên tục viết thư kêu gọi sự hợp nhất, đồng thời báo cáo để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biết rõ tình hình, sớm từ Xiêm về Hương Cảng tổ chức Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930.
Hai là, những hoạt động trên lĩnh vực sáng tác văn, thơ, báo chí cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã tạo ra hình thức tuyên truyền độc đáo trong điều kiện nhà tù đế quốc thực dân, góp phần quan trọng giáo dục tư tưởng, chính trị, động viên tinh thần người tù cộng sản giữ vững ý chí để tiếp tục sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho lý tưởng cách mạng.
Khi biết tin Phan Bội Châu bị giặc bắt ở Thượng Hải rồi bị đưa về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), đồng chí Hồ Tùng Mậu dùng bút danh Hồ Mộng Tống viết bài đăng báo ở Trung Hoa, kêu gọi thả Phan Bội Châu ra khỏi tù, rồi trở thành một cây bút tích cựccủa Báo Thanh niên. Đặc biệt, khi bị giam ở nhà lao Vinh (Nghệ An) những năm 1931-1932 và sau đó là nhà lao Kon Tum, đồng chí đã dạy chính trị và tiếng Trung, chủ xướng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, sáng tác một số bài thơ giá trị, đặc biệt đồng chí đóng vai trò sáng lập, “chủ bút”, “thư ký tòa soạn” của tờ “báo miệng”, mở ra phương thức tuyên truyền độc đáo và “đã làm được nhiệm vụ động viên tinh thần, giữ vững ý chí cách mạng của các chiến sỹ cộng sản trong lao tù”, “góp phần làm cho ý chí của anh em tù chính trị càng cứng như thép, vững như đồng”.
Ba là, đồng chí Hồ Tùng Mậu không chỉ tích cực hoạt động mà còn động viên mọi người tham gia chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8-1945 và đã có những đóng góp xây dựng nền văn hóa mới, tích cực bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.
Từ khi Đảng ta phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng một số tù chính trị đã vượt ngục Trà Khê và được Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim mời ra làm cố vấn chính trị nhưng đồng chí đã từ chối. Đồng chí Hồ Tùng Mậu tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau cứu đói, tham gia Hội Cứu quốc, tích cực ủng hộ cách mạng. Khi Đảng ta chuẩn bị phát lệnh Tổng khởi nghĩa thì Xứ ủy Trung Kỳ vẫn chưa được củng cố nên đã điều động đồng chí cùng một số đồng chí khác tăng cường lãnh đạo cơ quan Xứ ủy, chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh miền Trung.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta tích cực chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, hăng hái xây dựng đời sống mới nhưng ở một số địa phương mắc phải một số sai lầm như chặt cây cổ thụ của làng đem bán, phá đền, chùa, tượng Phật… đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có ý kiến: “Cách mạng không phải thế. Không phải cái gì cũ thì cách mạng cũng phá để làm mới. Cách mạng phải bảo vệ các công trình kiến trúc, điêu khắc của cha ông để lại. Cách mạng là phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân”. Trước đó, từ trong cao trào cách mạng 1930-1931, nghe tin ở quê nhà có khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, đồng chí Hồ Tùng Mậu rất đau lòng, sau này nói: “Được tin đó, tôi lo quá, ai lại chủ trương thế, chia rẽ mất rồi. Cách mạng là phải đoàn kết. Cũng may là chủ trương đó mới tung ra trong thời gian ngắn, Đảng ta đã kịp thời uốn nắn, sửa chữa”.
Bốn là, với cương vị là Chính ủy đầu tiên của Chiến khu IV, Giám đốc Trường Quân chính Trung bộ, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV, đồng chí Hồ Tùng Mậu có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử quân sự Việt Nam.
Với cương vị là Chính ủy đầu tiên của Chiến khu IV, đồng chí Hồ Tùng Mậu nhanh chóng xây dựng tổ chức Đảng trong Bộ Chỉ huy, trong các chi đội của 6 tỉnh, hình thành quy tắc hoạt động của hệ thống chính trị - tư tưởng trong lực lượng vũ trang Chiến khu IV; tích cực chăm lo mọi mặt cho các đơn vị Vệ quốc đoàn; chỉ đạo lực lượng bộ đội làm công tác dân vận với đồng bào dân tộc thiểu số và liên kết chặt chẽ với nhân dân nước bạn Lào để cùng đánh đuổi tàn quân Pháp ở vùng thượng du và biên giới Việt - Lào.
Đồng chí là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ quân sự - chính trị cấp cơ sở cho Chiến khu IV.Từ khi trực tiếp phụ trách Trường Quân chính của Xứ ủy Trung bộ, rồi làm Giám đốc Trường Quân chính Chiến khu IV và là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, đồng chí tăng cường củng cố bộ máy, quan tâm chăm lo công tác đào tạo cán bộ, củng cố hệ thống lãnh đạo cấp cơ sở, đào tạo các chỉ huy quân sự, cung cấp hàng trăm cán bộ chỉ huy và chính trị viên cấp đại đội, tiểu đoàn cho lực lượng Vệ quốc đoàn Chiến khu IV và cho các đoàn quân Nam tiến, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù… Thời gian lãnh đạo, hoạt động trên lĩnh vực quân sự không dài, nhưng đồng chí Hồ Tùng Mậu đã kịp thời chỉ đạo, tổ chức hệ thống công tác chính trị, trường lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, lấy công tác xây dựng đảng làm trung tâm, trở thành một truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.
Năm là, với cương vịlà Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên, đồng chí Hồ Tùng Mậu có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần củng cố hệ thống bộ máy tổ chức, xây dựng và phát triển ngành thanh tra Việt Nam; chỉ đạo nhiều vụ việc góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nhanh đến thắng lợi.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn mới, trước yêu cầu thực tiễn về công tác thanh tra, kiểm tra, ngày 18-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra. Là người đứng đầu ngành, đồng chí đã lãnh đạo đẩy mạnh các hoạt động, thực hiện nhiệm vụ “xem xét việc thi hành chính sách, chủ trương của Chính phủ; thanh tra các ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết; thanh tra sự khiếu nại của nhân dân”, đồng thời tổ chức, dẫn đầu nhiều đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thực tế, làm rõ đúng, sai nhiều vụ việc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào cách mạng.
Sáu là, thông quanhững hoạt động có tính chất quốc tế của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã góp phần xây dựng, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các hoạt động của cách mạng Việt Nam.
Qua quá trình tham gia quân đội Chính phủ Tôn Trung Sơn và theo học tại các trường học ở Trung Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã thiết lập được một số mối quan hệ với bạn bè quốc tế và tương đối am hiểu về cách mạng Trung Quốc để sau này thuận lợi triển khai các hoạt động. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu tích cực tham gia vận động thành lập và giữ chức Ủy viên phụ trách ngoại giao “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông” vào tháng 7-1925 gồm những người yêu nước Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Miến Điện. Đến tháng 3-1926, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm việc tại Chiêu đãi sở ở Quảng Đông, đồng thời đẩy mạnh hoạt động, tạo đầu mối liên lạc với những người cộng sản các nước đang hoạt động ở đây. Khi biết tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, đồng chí liên hệ với Phái bộ phương Đông của Quốc tế Cộng sản và nhờ luật sư F.H.Loseby giúp đỡ. Khi Hội hữu nghị Việt - Trung thành lập, đồng chí Hồ Tùng Mậu được cử làm Chủ tịch đầu tiên của Hội, có nhiều đóng góp quan trọng phát triển quan hệ Việt - Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hoạt động quốc tế của đồng chí Hồ Tùng Mậu không chỉ góp phần làm cho kinh nghiệm thực tiễn, vai trò, vị thế, quan hệ của đồng chí với bạn bè quốc tế tăng lên mà trực tiếp hoặc gián tiếp đều có tác dụng tạo sự thuận lợi trong việc triển khai hoạt động của cách mạng Việt Nam; góp phần làm cầu nối giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc châu Á; thu hút sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới cho sự nghiệp chính nghĩa của cách mạng Việt Nam.
Từ khi sinh ra cho đến phút cuối cùng, đồng chí Hồ Tùng Mậu - lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng đã viết tiếp trang sử vẻ vang của gia đình, dòng tộc: "Đời nối đời vì nước". Ở đồng chí nhất quán một lẽ sống ở đời và làm người cao đẹp: Vì nước, vì dân, quên thân vì nghĩa lớn.
Tổng hợp
Thứ Sáu, 09:28 12/06/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.