Giải phóng Thủ đô - Mốc son lịch sử của dân tộc
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 không chỉ ghi dấu một chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng và giữ nước của cha ông ta.
Hà Nội rợp cờ hoa, hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô
65 năm đã trôi qua, với mỗi người Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung, sự kiện ngày 10-10-1954 mãi mãi là một mốc son chói lọi, mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước. Không khí hào hùng khí thế, nhất tề đứng lên giành lấy chính quyền theo lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Hà Nội đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, những hình ảnh “ôm bom ba càng” trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến vẫn còn vang vọng mãi. Những hình ảnh anh dũng chiến đấu trên khắp các chiến trường của các anh Bộ đội Cụ Hồ, của toàn dân trên mọi miền Tổ quốc đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; và rồi những đoàn quân chiến thắng tiến vào 5 cửa ô, trở về tiếp quản, giải phóng Thủ đô trong không khí chào đón hân hoan của cả rừng cờ, hoa vào ngày 10-10-1954.
Người dân Hà Nội hướng về lá quốc kỳ trong lễ chào cờ chiến thắng ngày 10-10-1954
15h ngày 10-10/1954, một buổi lễ đặc biệt do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức ngay tại sân Cột Cờ (sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long ngày nay): Lễ chào cờ đầu tiên ngay sau khi Hà Nội được giải phóng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng phấn khởi, cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về sự kiện lịch sử đó.
Sau giải phóng, quân và dân Thủ đô Hà Nội bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục hậu quả của chế độ thực dân để lại; vừa nỗ lực xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa cùng nhân dân miền Bắc dốc sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước tạm thời bị chia cắt, Hà Nội và miền Bắc thường xuyên bị giặc tập trung đánh phá ác liệt. Song người dân Thủ đô ở những thời khắc cam go nhất vẫn sắt son một niềm tin vào Đảng.
Ngày 10/10/1954 trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.
Với khí thế rồng bay của Thăng Long ngàn năm văn hiến, 65 năm sau ngày giải phóng, từ một thành phố chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội của chúng ta đã hoàn toàn thay da đổi thịt, lớn mạnh lên từng ngày, trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
TỔNG HỢP
Thứ Hai, 18:04 07/10/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.