Nguyễn Duy Trinh - nhà ngoại giao xuất sắc
Cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 – 20/4/1985) là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, nhà ngoại giao xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của Đảng ta. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều hoạt động ngoại giao sôi sổi nhưng cũng đầy cam go và quyết liệt của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự chỉ đạo của ông, ngoại giao Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris (tháng 1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15-7-1910 trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Thọ, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. 75 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã để lại dấu ấn sâu sắc trên nhiều cương vị, đặc biệt là trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người đã thay mặt Nhà nước ta ký kết Hiệp định Paris lịch sử năm 1973.
Từ giữa năm 1965, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao của đất nước. Tháng 1-1967, Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đề ra chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao để cùng các mặt trận quân sự và chính trị tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi. Người dân cả nước đã nức lòng khi đồng chí Nguyễn Duy Trinh ra Tuyên bố ngày 28-1-1967, nêu rõ: Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện. Tuyên bố này là một đòn tấn công ngoại giao lớn, làm thất bại luận điệu “đàm phán không điều kiện”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris
Cuộc đàm phán tại thủ đô Paris (Pháp) về Việt Nam từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973 là cuộc đàm phán mang tính lịch sử quan trọng để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX. Sau gần 5 năm đấu tranh bằng trí tuệ và bản lĩnh với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc. Ngày 27-1-1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đại diện Nhà nước ta chính thức ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của đàm phán Paris và Hiệp định Paris đã buộc quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ xây dựng lại đất nước sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá, ngành Ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Ngày 21-7-1977, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Đảng, Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại trụ sở tổ chức này. Đồng chí cũng chính là người kiến tạo các chuyến thăm của lãnh đạo nước ta với các nước trong khu vực, dẫn tới việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995.
Ghi nhận công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí là nhà ngoại giao xuất sắc và mãi là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam.
Nguồn: Báo Hanoimoi.
Thứ Tư, 13:59 15/07/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.