Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội và Hành trình tri ân 2020
Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020); nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức chương trình “Hành trình tri ân” cho gần 40 sinh viên tiêu biểu do đồng chí Trần Ngọc Khánh - Đảng ủy viên, Trưởng phòng Công tác sinh viên nhà trường làm trưởng đoàn về với các địa chỉ đỏ tại các tỉnh miền Trung từ ngày 22 – 24/7/2020.
Hành trình tri ân – về với các địa chỉ đỏ của sinh viên ĐHCNHN
Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam, ngày 27/7 là ngày mà nhân dân cả nước đã dành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do. Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết bằng những hoạt động thiết thực, bổ ích, tri ân những anh hùng, liệt sĩ và điển hình là Hành trình tri ân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Đoàn gồm 40 sinh viên tiêu biểu trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, công tác Đoàn - Hội... đã thăm và dâng hương tại Khu di tích Kim Liên – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nghệ An), Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tượng đài Mẹ Suốt (Quảng Bình).
Đoàn đến thăm khu di tích Kim Liên - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Trần Ngọc Khánh - Đảng ủy viên, Trưởng phòng Công tác sinh viên dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Về với Quê Bác, dù mới lần đầu hay đã nhiều lần đến đây, trong lòng ai đều cảm thấy xúc động bởi sự mộc mạc, giản dị của ngôi nhà tranh vách nứa, của những vật dụng đơn sơ, của những luống lạc, vồng khoai lang, của hàng cau, của bóng tre xanh rì rào trong gió, kể mãi câu chuyện về một người con vĩ đại của dân tộc…
Đoàn dâng hương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Di chuyển tới Ngã ba Đồng Lộc - một ngã ba huyết mạch trên tuyến đường vận chuyển lương thực, súng đạn, vũ khí… từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam. Mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh ba quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10-1968 không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Dẫu vậy, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và nhân dân vẫn bám trụ ngoan cường, đội mưa bom để đánh địch, nối đường, bảo đảm thông đường cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến trong đó hàng trăm người đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này. Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Tại đây, đoàn đã dành những phút mặc niệm ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ.
Đoàn dâng hương tại Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tiếp theo, Đoàn đã đến dâng hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã cống hiến cả cuộc đời vì nền độc lập dân tộc, vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Đoàn dâng hương tại Tượng đài Mẹ Suốt
Cũng tại Quảng Bình, Đoàn đã đến đặt hoa và dâng hương tại tượng đài mẹ Suốt - tên gọi thân quen của “Anh hùng ngành Giao thông-Vận tải trong chống Mỹ, cứu nước” Nguyễn Thị Suốt (1906 – 1968). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, mẹ Suốt vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo chở cán bộ, bộ đội, nhân dân sang sông, vận chuyển vũ khí, đạn dược từ bờ ra tàu chiến của ta chi viện cho chiến trường. Không hình ảnh nào đẹp hơn một bà mẹ đã ngoài 60 tuổi mà vẫn bất chấp hiểm nguy, hiên ngang ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ. Ước tính mỗi năm Mẹ Suốt có 1.400 chuyến đò qua lại giữa hai bờ sông Nhật Lệ. Đến ngày 13/10/1968, mẹ đã hi sinh trong một trận càn quét ác liệt của dàn máy bay Mỹ. Mẹ Suốt đã trở thành hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất và là sức mạnh cổ vũ, động viên nhân dân ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngày 27/7 đã trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên và không thể quên được, mặt khác phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả thường xuyên. Vì thế, mỗi sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đều tự hứa sẽ sống sao cho xứng đáng với công lao của những thương binh, liệt sỹ vì đất nước quên mình; luôn tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho xã hội.
Thứ Hai, 15:00 27/07/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.